Ðiều cần biết khi mổ đục thể thủy tinh

Chủ nhật, 04 Tháng 12 2011 14:16

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người trên toàn cầu có thị lực < 1/20 là do đục thể thuỷ tinh.

Bình thường, thể thủy tinh (TTT) là một thấu kính hội tụ trong suốt, vô mạch, hai mặt lồi, đảm nhiệm khoảng 1/3 tổng công suất hội tụ của mắt nhưng cùng với tuổi tác thì tính trong suốt của nó không còn nữa, các tia sáng khi đi qua vùng bị đục sẽ bị tán xạ mạnh gây giảm thị lực.

Ngoài ra, chấn thương nhãn cầu, cận thị, viêm màng bồ đào, đái tháo đường hay do dùng thuốc corticosteroid kéo dài cũng có thể gây ra đục TTT.

Làm sao để phát hiện bị đục TTT?

Trong các biểu hiện của đục TTT thì triệu chứng quan trọng nhất là giảm thị lực, đặc biệt là thị lực nhìn xa. Giảm thị lực cũng rất khác biệt, từ mức còn một vài phần mười đến mức chỉ còn nhận biết được ánh sáng tuỳ thuộc vào mức độ đục và vị trí của vùng đục. Ở giai đoạn sớm, bệnh nhân nhìn thấy những điểm đen trước mắt. Một số người lớn tuổi thấy có hiện tượng giảm số kính đọc sách hoặc nhận thấy nhìn gần rõ hơn do có sự xơ cứng của nhân làm tăng công suất khúc xạ của TTT và gây cận thị ở mức độ nhẹ hoặc trung bình. Thông thường các bệnh nhân bị đục TTT hay phàn nàn vì cảm giác loá mắt khi gặp ánh đèn pha trước mặt hoặc trong các điều kiện chiếu sáng tương tự vào buổi tối.

Có thể khám phát hiện đục TTT bằng ánh sáng thường, máy soi đáy mắt và đặc biệt là khám bằng đèn khe của máy sinh hiển vi. Khi đồng tử giãn tối đa, các bác sĩ dễ dàng khẳng định chẩn đoán, đánh giá mức độ và tình trạng đục thể thuỷ tinh. Đục do tuổi già thường là đục vỏ, nhân và dưới bao sau. Bên cạnh việc quan sát TTT cũng cần chú ý phát hiện thêm các bệnh phối hợp: glôcôm, thoái hóa hoàng điểm do tuổi già, bệnh võng mạc đái tháo đường,  các dạng thoái hóa giác mạc…

tư vấn các bệnh về mắt sau khi mổ

Đục TTT có chữa được không?

Đục TTT là bệnh chữa được. Cho đến nay phương pháp điều trị có hiệu quả duy nhất vẫn là phẫu thuật. Phương pháp hiện đại nhất hiện nay là phương pháp PHACO đặt thể thuỷ tinh nhân tạo. Phương pháp này sử dụng năng lượng siêu âm để tán nhuyễn rồi hút nhân TTT ra ngoài, sau đó đặt thể thuỷ tinh nhân tạo vào trong túi bao TTT. Chính vì vậy mà vết mổ rất nhỏ, đặc biệt trong kỹ thuật PHACO lạnh chỉ còn là 2mm, tiền phòng luôn được khép kín nên an toàn hơn, vết mổ liền sẹo nhanh, ít bị loạn thị sau mổ, thị lực phục hồi nhanh chóng và ổn định, bệnh nhân có thể xuất viện ngay trong ngày. Các loại TTT nhân tạo cũng được cải tiến không ngừng. Từ loại TTT nhân tạo đơn tiêu (chỉ cho hình ảnh rõ nét ở một khoảng cách nhất định, những vật ở gần hơn hay xa hơn khoảng cách này đều bị mờ, phải chỉnh kính mới thấy rõ), ngày nay đã có loại TTT nhân tạo mới: TTT đa tiêu cự. Loại TTT nhân tạo này gồm nhiều vòng tròn đồng tâm với công suất quang học khác nhau nên mắt nhìn được vật cả ở gần và xa mà không phải đeo kính giống như thị lực của người bình thường chưa lão thị; thích hợp với những mắt bị đục TTT đơn thuần mà độ loạn thị dưới 1 diop, không kèm bệnh lý khác về mắt. Với những mắt đục TTT có  kèm loạn thị >1 diop, nên đặt loại TTT chống loạn thị – là loại TTT nhân tạo mới xuất hiện trong một vài năm gần đây. Tuy nhiên sự lựa chọn thể thuỷ tinh nhân tạo còn tùy thuộc nhu cầu cũng như điều kiện kinh tế của mỗi bệnh nhân.

Chỉ định mổ khi nào?

Chỉ định mổ chủ yếu dựa vào mức độ giảm thị lực. Thị lực kém hơn 4/10 sẽ được xem xét để chỉ định phẫu thuật. Cũng cần quan tâm đến những yếu tố khác như tuổi của người bệnh, tính chất công việc, điều kiện sống, nhu cầu dùng mắt hàng ngày… để thúc đẩy hay trì hoãn can thiệp phẫu thuật. Bệnh nhân bị đục TTT nên mổ càng sớm càng tốt, không nên để TTT đục quá chín gây biến chứng tăng nhãn áp mới đi mổ vì khi đó phẫu thuật sẽ phức tạp hơn và khả năng phục hồi thị lực sẽ kém hơn.

Những điều cần chú ý

Nếu không có các bệnh tại mắt khác thì có khoảng 95% bệnh nhân thu được thị lực >5/10. Ngoài việc thị lực được cải thiện, còn có những lợi ích đáng kể khác cho bệnh nhân: cải thiện khả năng nhận biết màu sắc, tăng khả năng đọc và nhìn gần, tăng khả năng lao động, di chuyển và lái xe. Sau mổ, bệnh nhân cần dùng thuốc theo đơn và hướng dẫn của thày thuốc, không tự ý mua thuốc ở ngoài. Bệnh nhân không cần ăn kiêng; cần tránh đập tay vào mắt và có thể tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, dưỡng sinh, không nên chơi bóng bàn, cầu lông hay tennis để phòng bóng đập vào mắt. Các biến chứng viêm nhiễm thường nhẹ và kiểm soát được. Biến chứng muộn đục bao sau có thể khắc phục bằng laser YAG dần dần đã trở thành phổ biến cùng với số lượng đông đảo bệnh nhân được mổ đặt TTT nhân tạo.

TS. Nguyễn Xuân Hiệp (PGĐ BV Mắt Trung ương) -skđs

tag:chuyen khoa mat

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

     
chia sẻ với bạn bè