Bệnh đục thể thuỷ tinh người già

Thứ sáu, 05 Tháng 8 2011 13:43

Mái tóc bạc dần theo năm tháng, từng chiếc răng chia tay với ta thật lặng lẽ, khớp xương đau mỏi và không theo sự điều khiển của ta nữa, đôi mắt ngày càng mờ mịt. Một “thực đơn” không dễ chịu của tuổi sau 50. Thế mà đôi mắt trẻ lại như tuổi 30 lại là việc trong tầm tay nhờ những tiến bộ không ngừng của ngành nhãn khoa.

Bệnh khởi phát như thế nào?

Ở tuổi 45 chúng ta tạm hài lòng với đôi kính đọc sách. Đến tuổi 60 rất nhiều người cần thêm một đôi kính nhìn xa nữa. Có vẻ phiền phức hơn nhiều. Nhưng không lâu sau đó việc đeo kính không còn tác dụng nữa. Sức nhìn ngày càng giảm sút. Đục thể thuỷ tinh bắt đầu quấy rầy chúng ta rồi đấy. Thế nào là đục thể thuỷ tinh? Thể thuỷ tinh là một thấu kính trong suốt ở bên trong con mắt. Nó góp 1/3 vào năng lực hội tụ của nhãn cầu. Công suất hội tụ của thể thuỷ tinh được đảm bảo khi nó còn trong suốt, các mặt cong và độ dầy còn nằm trong giới hạn sinh lý. Ngoài ra thể thuỷ tinh còn có chức năng lọc tia tử ngoại – tia có hại có trong phổ bức xạ của mặt trời. Khi các phân tử prôtêin không hoà tan bị tích tụ trong thể thuỷ tinh cùng với tuổi tác thì tính trong suốt của nó không còn nữa, các tia sáng khi đi qua vùng bị đục sẽ bị tán xạ mạnh gây giảm thị lực. Đục thể thuỷ tinh được coi là đáng kể khi nó làm giảm thị lực xuống còn < 3/10.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đục thể thuỷ tinh thế nhưng đục thể thuỷ tinh do tuổi già chiếm tới 99%. Đục thể thuỷ tinh liên quan đến tuổi già khi nó xuất hiện sau tuổi 65. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ trong đó yếu tố tuổi tác được quan tâm nhiều nhất. Các yếu tố khác cũng được nhắc đến như di truyền, môi trường, hoá sinh… được coi gây nên sự khác biệt về độ mẫn cảm với đục thể thuỷ tinh giữa cá thể này với cá thể kia. Chúng ta có thể kể tới một loạt nguyên nhân khả dĩ: phơi nhiễm quá nhiều với tia tử ngoại, rối loạn dinh dưỡng, ỉa chảy mất nước, tiểu đường, thiếu hụt các yếu tố chống oxi hoá. Hút thuốc, uống rượu, cũng như việc lạm dụng một vài loại thuốc là nguyên nhân được nhiều người biết đến.

Vài điều về dịch tễ học

Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân phổ biến nhất gây mù loà trên thế giới. Có khoảng 25 đến 50 triệu người trên toàn cầu có thị lực < 1/20 là do đục thể thuỷ tinh. Sau 60 tuổi thì tỷ lệ đục thể thuỷ tinh tăng rõ rệt do nhiều yếu tố cộng hưởng như các bệnh tại mắt và toàn thân, chấn thương, điều trị bằng corticoide kéo dài … Theo Framingham Eye Study trên phạm vi rộng cho thấy tỷ lệ đục thể thuỷ tinh ở tuổi 55 đến 64 tuổi là 4,5%, ở tuổi 65 đến 74 tuổi là 18% và tới 45,9% ở tuổi từ 75 đến 84.

Các biểu hiện của bệnh

Giảm thị lực là triệu chứng quan trọng nhất. Thường là nhìn mờ cả hai bên khá cân xứng. Đục thể thuỷ tinh gây ảnh hưởng đến việc nhìn xa trước tiên sau đó là đến nhìn gần, trừ một thể đục đặc biệt là đục dưới bao sau thể thuỷ tinh. Khi đó thị lực nhìn gần bị ảnh hưởng trước tiên. Mức độ giảm thị lực cũng rất khác biệt, từ mức còn một vài phần mười đến mức chỉ còn nhận biết được ánh sáng. Đục thể thuỷ tinh làm tăng độ tụ của nó. Điều này giải thích tại sao một số người già tự nhiên lại đọc được sách mà không cần kính khi họ bị đục thể thuỷ tinh. Một số bệnh nhân khác than phiền vì cảm giác nhìn đôi, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, nhìn như qua sương mù …tất cả những khó chịu đó được giải thích là do thể thuỷ tinh bị đục đã làm tán xạ các tia sáng đi qua nó.

Thăm khám kỹ càng hơn chúng ta sẽ thấy nhiều bệnh nhân có rối loạn về sắc giác, nhất là việc nhìn nhận màu xanh. Bên cạnh đó, thị trường, khả năng nhận định độ tương phản, khả năng nhìn ban đêm …cũng có những tổn hại nhất định.

Khám bệnh khi đồng tử giãn tối đa các bác sĩ dễ dàng khẳng định chẩn đoán, đánh giá mức độ và tình trạng đục thể thuỷ tinh. Đục do tuổi già thường là đục vỏ, nhân và dưới bao trong đó dạng đục vỏ là phổ biến nhất. Bên cạnh việc quan sát thể thuỷ tinh người ta cần chú ý phát hiện thêm các bệnh phối hợp: glôcôm, thoái hoá hoàng điểm do tuổi già, bệnh võng mạc đái tháo đường, các dạng thoái hoá giác mạc. Tốc độ đục thể thuỷ tinh rất thay đổi, đục hoàn toàn hay đục chín là cấp độ cao nhất. Đục quá chín có thể gây phản ứng viêm màng bồ đào hay tăng nhãn áp.

Điều trị

Cho đến nay phương pháp điều trị có hiệu quả duy nhất vẫn là phẫu thuật. Phẫu thuật thể thuỷ tinh đã có chừng hai thế kỷ nay, nhưng phương pháp đặt kính nội nhãn (thể thuỷ tinh nhân tạo) mới được đề xướng từ năm 1949. Những thành tựu to lớn thường bắt đầu bằng những quan sát tinh tế và sau đó được nhào nặn bởi những khối óc chịu suy nghĩ. Việc phát minh ra thể thuỷ tinh nhân tạo cũng là một trong những trường hợp như vậy. Một bác sĩ quân y người Anh tên là Ridley khi quan sát những phi công bị vết thương mắt có dị vật nội nhãn là mảnh kính máy bay (thuộc nhóm vật liệu Acrylat) thấy chúng “chung sống hoà bình” với chủ nhân. Từ đó ý tưởng dùng kính nội nhãn chế từ Acrylat đã được đặt vào trong mắt để thay thế cho thể thuỷ tinh bệnh lý đã được khơi mào. Sau này, về phương diện vật liệu học, thể thuỷ tinh nhân tạo đã dần dần được cải biên sao cho dung nạp tốt, bền vững, lọc được tia tử ngoại, ưa nước. Ngày nay, loại chế từ silicone, gấp được và chịu nước, được đa số các phẫu thuật viên ưa dùng.

Lĩnh vực phẫu thuật này được ứng dụng sôi nổi nhất những thành tựu mới của ngành nhãn khoa thế giới. Hàng loạt các kỹ thuật mổ mới đi kèm với nó là các máy móc, phương tiện, vật tư tiêu hao ra đời trong vòng 20 năm trở lại đây. Đến giờ phút này, tại các trung tâm nhãn khoa lớn của nước ta, kỹ thuật mổ PHACO đã trở thành phổ biến. Ưu điểm của nó đã quá rõ ràng: vết mổ nhỏ. Đặc biệt trong kỹ thuật PHACO lạnh chỉ còn là 2mm, thị lực phục hồi nhanh chóng, xuất viện trong ngày, tỷ lệ biến chứng ít. Chính vì vậy số lượng bệnh nhân được mổ đục thể thuỷ tinh theo phương pháp này ngày càng tăng. Tất nhiên cũng cần nhắc tới một vài yếu tố khác như tuổi thọ tăng và chỉ định mổ đã rộng rãi hơn nhiều so với trước. Hàng năm tại Pháp có tới 380.000 người được mổ thể thuỷ tinh.

Những ai sẽ được mổ và cần chuẩn bị những gì?

Chỉ định mổ chủ yếu dựa vào mức độ giảm thị lực. Nhưng cần xác định rõ ràng chính đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân chính gây giảm thị lực chứ không phải là những yếu tố bệnh lý khác. Khi khám bệnh các bác sĩ sẽ phải luôn cân nhắc có sự tương hợp hay không giữa tính chất và mức độ đục thể thuỷ tinh với mức độ giảm thị lực. Tựu trung, thị lực kém hơn 4/10 sẽ được xem xét để chỉ định phẫu thuật. Cũng cần quan tâm đến những yếu tố khác như tuổi của người bệnh, tính chất công việc, điều kiện sống, nhu cầu dùng mắt hàng ngày …để thúc đẩy hay trì hoãn can thiệp phẫu thuật.

Một bệnh nhân trước khi phẫu thuật, ngoài việc được thăm khám về chuyên khoa mắt kỹ càng, còn được truy tìm bệnh toàn thân. Điều này rất cần thiết cho quyết định mổ, tiên lượng thị lực sau mổ, ngăn ngừa các biến chứng cũng như điều trị dự phòng. Tại mắt chúng ta sẽ đi tìm những bệnh có liên quan đến tuổi tác như thoái hoá hoàng điểm người già, bệnh võng mạc tiểu đường, cận thị …Trên toàn thân chúng ta cần phát hiện các bệnh nội khoa như: cao huyết áp, tiểu đường, các ổ viêm nhiễm. Điều này giải thích tại sao trước khi mổ chúng ta lại cầm trong tay tới 7-8 tờ xét nghiệm.

 

Kết quả của phẫu thuật và biến chứng có thể gặp

Nếu không có các bệnh tại mắt khác thì có khoảng 95% bệnh nhân thu được thị lực >5/10. Ngoài việc thị lực được cải thiện, còn có những lợi ích đáng kể khác cho bệnh nhân: cải thiện khả năng nhận biết màu sắc, tăng khả năng đọc và nhìn gần, tăng khả năng lao động, di chuyển và lái xe. Các biến chứng viêm nhiễm thường nhẹ và kiểm soát được. Đáng ngại nhất là biến chứng xuất huyết nội nhãn và viêm nội nhãn, tuy không gặp nhiều. Biến chứng muộn đục bao sau phải giải quyết bằng laser YAG dần dần đã trở thành phổ biến cùng với số lượng đông đảo bệnh nhân được mổ đặt thể thuỷ tinh nhân tạo.

(Sưu tầm)

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

   
chia sẻ với bạn bè