Thủy tinh thể là một thấu kính hội tụ trong suốt, bao gồm một bao ở bên ngoài, bên trong là chất nhân.
Bệnh đục thủy tinh thể là sự mờ đục của thủy tinh thể. Vết đục của thủy tinh thể cản trở ánh sáng xuyên qua và không thể hội tụ lên võng mạc, làm cho mắt bị mờ đi. Khi đục toàn bộ (còn gọi là đục chín) thì mắt không nhìn thấy gì nữa. Nếu đục quá chín có thể gây ra viêm hoặc glaucoma cấp, mắt sẽ đỏ kèm đau nhức, phải điều trị cấp cứu và can thiệp sẽ khó khăn hơn.
Vết mổ phaco nhanh lành
Nguyên nhân đục thủy tinh thể thường gặp nhất là tuổi già (khoảng 50% người từ 65 – 74 tuổi và 70% người trên 75 tuổi bị đục thủy tinh thể). Ngoài ra, còn do các nguyên nhân khác như chấn thương mắt, đục bẩm sinh… đặc biệt là dùng thuốc corticoid. Bệnh không thể điều trị bằng thuốc nhỏ hoặc uống mà phải mổ để thay bằng thủy tinh thể nhân tạo (kính nội nhãn). Đây là việc nên làm khi người bệnh cảm thấy trở ngại trong sinh hoạt.
Có hai loại phẫu thuật đục thủy tinh thể phổ biến là ngoài bao và phaco. Phẫu thuật ngoài bao, vết mổ dài 7 - 11 mm nên thường phải khâu, lâu lành hơn, loạn thị nhiều hơn. Phẫu thuật phaco là dùng kim phaco dưới tác động rung cơ học tần số cao để làm rã chất nhân của thủy tinh thể rồi hút ra khỏi mắt, vết mổ nhỏ khoảng 2,2 – 3,2 mm. Do vết mổ nhỏ nên sau phẫu thuật không cần khâu mà vết mổ sẽ tự bít kín, lành nhanh, không gây loạn thị, bệnh nhân sớm trở lại sinh hoạt bình thường.
Các máy phaco thế hệ đầu khi mổ thì kim phaco phát nhiệt rất nóng, có thể làm phỏng vết mổ và gây biến chứng sau mổ như lâu lành, loạn và dễ nhiễm trùng. Máy phaco ngày nay ít phát ra nhiệt hơn nên không gây phỏng vết mổ, do đó thường gọi là phaco lạnh. Sau khi hút chất nhân, phẫu thuật viên sẽ đặt một thủy tinh thể nhân tạo vào trong bao và nó ở đó vĩnh viễn mà bệnh nhân không cảm nhận được. Loại kính này có công suất tính sẵn để bệnh nhân nhìn xa tốt nhất.
Thủy tinh thể nhân tạo không có khả năng điều tiết nên nếu bệnh nhân sau mổ nhìn xa tốt thì khi nhìn gần thường cần một kính viễn đeo ngoài; ngược lại, nếu bệnh nhân nhìn gần tốt thì khi nhìn xa thường cần một kính cận đeo ngoài. Nếu bệnh nhân có loạn thị thì cần đeo kính loạn sau mổ, khi nhìn xa và nhìn gần.
Nhiều loại kính để chọn
Trên thị trường có nhiều loại thủy tinh thể nhân tạo, đối với kính cứng để mổ ngoài bao chất liệu là polymethyl methacrylate, đối với kính mềm để mổ phaco có nhiều chất liệu khác nhau như silicon, collamer, acrylic. Các loại kính này đều không gây phản ứng gì với mắt cũng như với cơ thể và tồn tại vĩnh viễn cùng cơ thể. Các nhà sản xuất cũng đã đưa ra nhiều kiểu kính có kèm thêm chức năng như giảm đục bao sau, tăng độ nét hình ảnh, giảm chói sáng, giảm hiện tượng thấy ánh sáng xanh sau mổ.
Cũng đã có loại thủy tinh thể có chỉnh loạn thị trong lúc mổ giúp bệnh nhân nhìn xa tốt nhất mà không cần đeo kính loạn ở ngoài. Ngoài ra, còn có loại kính đa tiêu cự giúp bệnh nhân nhìn rõ cả xa và gần mà không cần đeo kính ngoài nhưng giá cao. Đối với kính đa tiêu cự thì bệnh nhân phải thỏa mãn một số điều kiện mới dùng được.
Sau mổ vài năm, bao thủy tinh thể sẽ bị đục làm bệnh nhân nhìn giảm thị lực, điều trị đơn giản là dùng laser Yag để mở bao sau là có thể phục hồi thị lực.
Phẫu thuật phaco nhanh chóng, an toàn, nhẹ nhàng và hiệu quả cao. Nguy cơ đáng sợ nhất sau mổ là nhiễm trùng nên phải giữ vệ sinh sạch sẽ và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn. Thời gian hậu phẫu, nhất là tuần đầu, nếu mờ mắt đột ngột kèm đau nhức thì phải tái khám ngay.
( Theo NLĐ)
Thứ bảy, 28 Tháng 7 2012 12:15
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Thứ sáu, 20 Tháng 7 2012 16:02
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 14:52
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 06:41
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 03:57
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Chủ nhật, 04 Tháng 12 2011 13:13