Phân biệt các loại viêm kết mạc

Thứ bảy, 21 Tháng 4 2012 02:24

 

Đây là tình trạng viêm màng nhầy bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Các nguyên nhân chính gây viêm kết mạc là nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, mắt khô, viêm bờ mi và những phản ứng độc hại ở mắt...

Phân biệt các loại viêm kết mạc

Viêm kết mạc thường nhẹ và nếu biết rõ nguyên nhân gây bệnh thì việc điều trị cũng dễ dàng. Thường mỗi loại viêm kết mạc sẽ có một dấu hiệu và triệu chứng chuyên biệt. Nếu để ý đến những triệu chứng này, ta có thể chẩn đoán được nguyên nhân và có cách phòng ngừa, điều trị.

1. Viêm kết mạc do vi khuẩn

- Dấu hiệu chủ quan (bệnh nhân thấy): Buổi sáng mắt dính, khó mở, ghèn nhiều.

- Khám nghiệm: Có nhiều ghèn (thường ở một mắt), mắt có màu đỏ như thịt bò tươi.

- Điều trị: Dùng kháng sinh nhỏ và uống.

2. Viêm kết mạc do virus

- Dấu hiệu chủ quan: Chảy nước mắt nhiều, cảm giác có vật lạ ở trong mắt. Lây lan thường xuất hiện vào mùa có dịch.

- Khám nghiệm: Mắt đỏ nhiều, sưng; thường bị cả hai mắt, có thể chảy máu ở tròng trắng, có hạch hai bên dái tai, đôi khi sốt.

- Điều trị: Nhỏ thuốc sát trùng, kháng sinh ngừa bội nhiễm. Giữ vệ sinh mắt để tránh lây lan.

3. Viêm kết mạc do dị ứng

- Dấu hiệu chủ quan: Ngứa nhiều, chảy nước mắt, tái phát thường xuyên. Bệnh không lây lan, thường xuất hiện theo mùa.

- Khám nghiệm: Phù tròng trắng.

- Điều trị: Nhỏ hoặc uống thuốc dị ứng, nhỏ nước mắt nhân tạo. Đắp gạc lạnh lên mắt.

4. Mắt khô

- Dấu hiệu chủ quan: Cảm giác như bỏng, khô, dính mắt, không muốn mở mắt, như có vật lạ trong mắt.

- Khám nghiệm: Tròng trắng không bóng; thấy ở những người ít nhắm mắt, làm việc trong môi trường khô (như làm việc trước màn hình vi tính trong thời gian lâu, nơi gió cát), người cao tuổi, uống các loại thuốc dị ứng, an thần... lâu ngày hay nhỏ thuốc trị cườm nước.

- Điều trị: Nhỏ nước mắt nhân tạo, tránh nơi gió cát, khô.

5. Viêm bờ mi

- Dấu hiệu chủ quan: Mắt đỏ kinh niên (ở bờ mi mắt), cảm giác như có vật lạ, khi nặng sẽ làm mắt toét.

- Khám nghiệm: Có vảy chân lông mi, bờ mi đỏ.

- Điều trị: Uống và nhỏ kháng sinh, chủ yếu dùng nhóm Tetracycline.

6. Viêm do nhiễm độc

- Dấu hiệu chủ quan: Không đỏ nhiều nhưng bị kinh niên không lúc nào dứt. Có tiền căn dùng lâu dài loại thuốc nhỏ chứa chất bảo quản gây độc cho mắt. Mắt có cảm giác khó chịu, không có ghèn, không nhức.

- Khám nghiệm: Lộn mi thấy có sẹo, không đỏ nhiều.

- Điều trị: Xem lại các thuốc đã nhỏ có chứa loại chất bảo quản nào không? (như Benzakonium gây độc cho mắt). Nên dùng các loại thuốc nhỏ không có chất bảo quản.

 

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

     
chia sẻ với bạn bè