Có một thực trạng hiện nay là người tự ý mua thuốc nhỏ mắt khá phổ biến. Nếu sử dụng những loại thuốc có thành phần corticosteroid kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ nhãn khoa sẽ dẫn đến những biến chứng khôn lường mà điển hình là bệnh glôcôm.
Từ lâu, các corticosteroid tổng hợp (cortisone) được sử dụng chống viêm trong cơ thể một cách hết sức hiệu quả. Trong nhãn khoa, thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh viêm kết giác mạc, viêm màng bồ đào, viêm thần kinh thị giác... Cũng chính tác dụng chống viêm rõ rệt của thuốc mà trong thời gian khá dài, cortisone dưới dạng tra, tiêm, uống được sản xuất và sử dụng tràn lan, phổ biến ở tất cả các tuyến y tế trong điều trị bệnh về mắt. Thậm chí, người dân có thể tự mua thuốc có chứa chế phẩm cortcosteroid để điều trị tại nhà.
Bên cạnh tác dụng tích cực của thuốc thì tác dụng không mong muốn trong trường hợp thuốc được dùng kéo dài, không đúng chỉ định có thể gây ra những biến chứng toàn thân hoặc tại chỗ như loét giác mạc do nấm, do vi khuẩn, đục thể thủy tinh... Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất tại mắt là tăng nhãn áp (glôcôm do corticosteroid) có thể dẫn tới mù lòa.
Trường hợp người bệnh sử dụng thuốc, các corticosteroid tổng hợp sẽ cạnh tranh với corticosteroid tuyến yên khiến việc sản xuất hydrolase bị ngừng trệ, các glycosaminoglycan không được giải phóng dẫn đến ứ trệ thủy dịch trong nhãn cầu gây tăng nhãn áp.
Sự ứ trệ thủy dịch trên bệnh nhân sử dụng corticosteroid diễn ra từ từ tăng dần nên tiến triển của glôcôm corticosteroid cũng âm thầm và hầu như không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Bệnh thường xảy ra trên mắt do sử dụng corticosteroid tra nhỏ mắt (polydexa, dexaclo,…) hay tiêm (hydrocortisone, dexamethasone,..), uống (prednisolon) kéo dài.
Phản ứng có thể xuất hiện khi bệnh nhân dùng thuốc liên tục khoảng 6 tuần, nhưng nhiều trường hợp bệnh tăng nhãn áp xuất hiện chỉ sau 2 tuần điều trị. Nhiều nghiên cứu cho thấy, glôcôm do corticosteroid thường xảy ra trên bệnh nhân nữ do bệnh nhân nữ dễ mắc các bệnh về mi, kết mạc và sử dụng thuốc nhiều hơn.
Bệnh thường được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đến khám các bệnh khác tại mắt nhưng đôi khi các triệu chứng cũng bị bỏ sót do biểu hiện không rõ ràng. Ở giai đoạn đầu, nếu ngừng ngay việc sử dụng corticosteroid, nhãn áp có thể điều chỉnh được về mức bình thường. Tuy nhiên, do tình trạng bán và sử dụng thuốc corticosteroid tràn lan nên bệnh glôcôm corticosteroid thường được phát hiện vào giai đoạn rất muộn.
Những bệnh nhân này thường đến khám khi bệnh xuất hiện đầy đủ các triệu chứng như các glôcôm khác như mất thị lực, mất thị trường vĩnh viễn, đau nhức mắt, nhức đầu dữ dội và nhãn áp tăng không thể tự điều chỉnh. Trong trường hợp này, bác sĩ nhãn khoa thường phải dùng tới thuốc hạ nhãn áp khá mạnh và đa số trường hợp phải phẫu thuật.
Kết quả của phẫu thuật điều trị glôcôm corticosteoid thường không cao nếu chỉ dùng phương pháp thông thường do bản thân thuốc corticosteroid dùng kéo dài gây kích thích tăng sinh xơ, sẹo làm bít đường thông thủy dịch mới được tạo thành.
Để khắc phục tình trạng tái phát này, người ta phối hợp phẫu thuật với các thuốc chống chuyển hóa (5fluoro-uracil, mitomicine C - các thuốc sử dụng trong điều trị ung thư) hoặc đặt các van dẫn lưu nhân tạo. Tuy nhiên, các phẫu thuật này cũng hết sức phức tạp và không phải trường hợp nào cũng thành công như mong muốn.
Vì vậy, việc sử dụng corticosteroid cần được thực hiện đúng chỉ định và được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt, bệnh nhân cần được kiểm tra nhãn áp thường xuyên trong quá trình sử dụng thuốc để tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.
Theo SK&ĐS