Cẩn trọng đau đầu do… mắt

Thứ bảy, 09 Tháng 6 2012 01:45

Nếu thường xuyên mắc chứng đau đầu, nên đi khám chuyên khoa mắt. Bởi dấu hiệu từ những cơn đau đầu kèm theo rối loạn thị giác có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.

Cẩn trọng đau đầu do… mắt

Các bác sĩ chuyên khoa mắt cảnh báo, một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm có thể khiến mù vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời là bệnh Horton - bệnh viêm động mạch toàn thân.

Gây mù vĩnh viễn

Biểu hiện bệnh Horton chủ yếu khu chú ở động mạch thái dương. Lứa tuổi hay mắc là người trên 60 tuổi, nữ bị nhiều hơn nam. Bệnh do nguyên nhân tự miễn dịch làm viêm lớp chun trong của nhiều động mạch, đặc biệt là động mạch thái dương nông và các nhánh của động mạch cảnh ngoài. Đây là bệnh có tính chất di truyền.

Khi mắc bệnh Horton, triệu chứng rõ ràng nhất của người bệnh là đau đầu, đau ở vùng thái dương, thường là đau một bên, đôi khi cả hai bên. Cơn đau xuất hiện một cách tự nhiên hay do kích thích dù chỉ là rất nhẹ vào da đầu như chải đầu, đeo kính, gội đầu… Đau dai dẳng,  cảm giác tê buốt như kim châm dưới da đầu, từ vị trí khởi điểm ở thái dương đau có thể lan ra cả vùng trán, hốc mắt, đau tăng lên khi lạnh, đau nhiều về đêm làm bệnh nhân mất ngủ.

Ngoài đau đầu dai dẳng, thỉnh thoảng bệnh nhân còn bị những cơn đau kịch phát dữ dội ở thái dương. Mỗi cơn đau này kéo dài 2 - 3 giờ, trung bình 1 - 2 cơn/ngày. Một số bệnh nhân còn đau cả lưỡi, họng; nuốt, nói khó do tổn thương những động mạch chi phối vùng đó. Một nhóm triệu chứng rất hay gặp nữa là các triệu chứng về thị giác, tùy theo mức độ tắc mạch máu của hệ thống động mạch cảnh ngoài mà rối loạn thị giác biểu hiện khác nhau. Những biểu hiện thường gặp là sợ ánh sáng, nhìn đôi, lác mắt (do liệt cơ vận nhãn), mù thoảng qua, màn sương mù trước mắt, ảo thị, rối loạn thị trường… và cuối cùng là mù mắt. Những biến chứng này có thể xuất hiện đột ngột, tiến triển nhanh, không hồi phục làm mất thị lực bệnh nhân chỉ trong vòng vài giờ đến vài ngày nếu không được điều trị kịp thời.

Những nguyên nhân khác

Theo bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương, ngoài bệnh Horton, còn có một số nguyên nhân khác gây đau đầu bắt nguồn từ mắt. Dù không gây nguy hiểm ngay cho thị lực, nhưng nếu không được điều chỉnh kịp thời có thể gây khó chịu, mệt mỏi cho người mắc, về lâu dài có thể gây nhược thị, cận thị…

Ví dụ như khi cơ vận động mắt đã làm việc quá mức, chỉ cần đến bệnh viện khám mắt, nbác sĩ sẽ chỉ ra ngay những rối loạn bắt nguồn từ sự làm việc quá mức với máy vi tính hoặc do đọc sách quá nhiều. Tình trạng này có thể dẫn đến đau đầu do các cơ vận nhãn không thật khỏe. Việc điều trị chỉ đơn giản là nghỉ ngơi, hoặc bằng một liệu trình chỉnh thị lực. Một nguyên nhân khác gây đau đầu là rất nhiều tật khúc xạ đã không được hiệu chỉnh đúng mức. Ví dụ như đã đeo kính đọc sách có công suất quá cao, gây ra tình trạng cưỡng bức điều tiết quá mức cần thiết hoặc rất nhiều bệnh nhân bị loạn thị, viễn thị không đeo kính như bác sĩ yêu cầu nên gây ra đau đầu.

Một nguyên nhân nữa mà khá nhiều người mắc phải, đó là đau đầu do làm việc quá mức với máy vi tính. Theo bác sĩ Hoàng Cương, để giữ cho đôi mắt được khỏe mạnh khi phải làm việc lâu dài với máy vi tính, cần phải đảm bảo khoảng cách giữa máy tính và mắt của bạn khi làm việc bằng khoảng chiều dài của cánh tay. Màn hình có thể hơi ở trên hoặc ở dưới tầm nhìn của bạn nhưng đừng bao giờ để quá cao. Ðể tránh sự căng cơ quá đáng, nên tổ chức, sắp xếp chỗ ngồi có khoảng cách hợp lý với tài liệu, giữ lưng luôn thoải mái, cần có khoảng nghỉ ngơi sau mỗi 2 giờ làm việc liên tục trên máy.

Bài tập thư giãn cho mắt

Nên thực hiện những động tác này sau giờ làm việc hoặc trong lúc giải lao. Có thể chọn bài tập nào giúp bạn cảm thấy thoải mái nhất, nên bắt đầu thật nhẹ nhàng để không gây chóng mặt: Nhắm mắt và cử động đầu như gật và lắc từ từ; chớp mắt bằng cách nhắm thật chặt và mở thật to mắt cho mỗi lần chớp; không cử động đầu, nhìn lên - nhìn xuống dưới rồi sang phải - trái; cử động xoay tròn 2 mắt theo một vòng kín - một chiều rồi theo chiều ngược lại; cầm một cây bút để cố định phía trước mũi, rồi nhìn vào một điểm thật xa trên tường (chiều đi), sau đó làm ngược lại (chiều về).
 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

     
chia sẻ với bạn bè