1) Cấu trúc của mắt
Nhãn cầu có dạng hình cầu. Thành nhãn cầu cấu tạo từ 3 lớp: lớp ngoài, lớp màng mạch máu và võng mạc.
Phần trước màng ngoài là giác mạc- một thấu kính hội tụ trong suốt. Ánh sáng đi từ môi trường ngoài khúc xạ qua giác mạc để vào trong mắt. Các bất thường ở giác mạc đều có thể gây giảm thị lực. Phần còn lại của lớp màng ngoài là củng mạc màu trắng có chức năng bảo vệ nhãn cầu.
Lớp màng mạch máu chứa rất nhiều các mạch máu nhỏ, cung cấp dinh dưỡng và oxy nuôi nhãn cầu. Phần trước của màng mạch là mống mắt. Tùy vào lượng sắc tố chứa trong mống mắt mà mắt người có thể có những màu khác nhau. Chính giữa mống mắt là lỗ đồng tử. Đồng tử có thể thay đổi đường kính để điều chỉnh kích thước chùm sáng vào mắt trong những điều kiện ánh sáng khác nhau. Phần sau của mống mắt là thể mi, là nơi sản xuất thủy dịch trong nhãn cầu và thực hiện chức năng điều tiết giúp mắt người có thể nhìn rõ vật ở những khoảng cách khác nhau. Phần sau của màng mạch là hắc mạc, là nơi trực tiếp cấp máu nuôi võng mạc.
Phía sau mống mắt là thể thủy tinh, cũng là một thấu kính hội tụ tham gia vào quá trình dẫn truyền và khúc xạ ánh sáng trong mắt.
Màng trong cùng của thành nhãn cầu là võng mạc – hay gọi đơn giản là đáy mắt. Lớp màng này chứa các tế bào thần kinh cảm thụ ánh sáng, biến tín hiệu ánh sáng thành tính hiệu thần kinh và dẫn truyền tín hiệu này về xử lý tại não qua dây thần kinh thị giác. Nơi tập trung nhiều tế bào cảm thụ nhất là vùng trung tâm võng mạc – hoàng điểm ( điểm vàng ). Do vậy tổn thương võng mạc, đặc biệt là tổn thương hoàng điểm và gai thị ( đầu dây thần kinh thị ) đều dẫn đến những suy giảm trầm trọng về thị lực, thậm chí là mù lòa.
Trong lòng nhãn cầu chứa chất thủy dịch. Phía trước gọi là tiền phòng, phía sau là hậu phòng hay còn gọi là buồng dịch kính.
2) Điều kiện để mắt nhìn rõ
Mắt chỉ có thể nhìn rõ nếu có đầy đủ 3 điều kiện sau
+ Các môi trường dẫn truyền ánh sáng trong suốt: Đó là giác mạc, tiền phòng, thể thủy tinh, buồng dịch kính
+ Hệ thống khúc xạ quang học hoạt động bình thường: Đó là giác mạc và thể thủy tinh, cũng như chiều dài của trục nhãn cầu. Khi hoạt động bình thường ảnh của vật phải rơi vào vùng hoàng điểm
+ Tín hiệu ánh sáng và tín hiệu thần kinh được tiếp nhận, xử lý, dẫn truyền và phân tích chuẩn xác tại mắt cũng như tại não bộ. Hiểu một cách đơn giản, võng mạc cùng hệ thống dẫn truyền thị giác và não bộ phải làm việc bình thường.
3) Tại sao thị lực lại giảm ở bệnh nhân Đái tháo đường?
Nguyên nhân gây giảm thị lực ở bệnh nhân đái tháo đường có thể chia làm 2 nhóm :
- Tổn thương hệ thống tiếp nhận tín hiệu ánh sáng: Đó là các tổn thương võng mạc của bệnh võng mạc đái tháo đường một trong các biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường. Các tổn thương này cần được phát hiện càng sớm càng tốt đề giữ lại thị lực còn lại của bệnh nhân.
- Tổn thương hệ thống dẫn truyền ánh sáng : Bệnh nhân đái tháo đường có thể bị đục thể thủy tinh tiến triển nhanh và xuất huyết buồng dịch kính. Khi các tổ chức này mất tính trong suốt sẽ gây giảm thị lực. Các bệnh nhân này nếu được phẫu thuật kịp thời có thể giữ hoặc cải thiện thị lực.
4) Bệnh võng mạc đái tháo đường tiến triển như thế nào và gây những biến chứng gì?
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất và rất hay gặp của bệnh đái tháo đường. Thời gian bị bệnh càng lâu, khả năng có biến chứng này càng cao.
Ở bệnh nhân đái tháo đường, các vi mạch máu bị tổn thương, trong đó có các vi mạch của võng mạc. Một số vi mạch bị tắc nghẽn, do đó một số vi mạch khác bị giãn để bù trừ. Thành mạch ở một số vi mạch bị giãn phình. Tính thấm của thành mạch thay đổi khiến cho dịch thấm qua từ trong lòng mạch máu ra ngoài, gây tình trạng phù võng mạc, tạo sức ép lên các tế bào thần kinh võng mạc. Bị ép lâu ngày, các tế bào này sẽ chết đi. Trong một số trường hợp, thành mạch bị vỡ gây ra tình trạng xuất huyết.
Điều đáng ngại nhất là bệnh võng mạc tiểu đường có thể diễn ra trong thời gian dài mà không gây khó chịu gì cho bệnh nhân. Khi bệnh chưa làm tổn thương vùng hoàng điểm, thị lực của bệnh nhân vẫn chưa bị suy giảm. Do đó bệnh nhân có thể chủ quan và không đi khám mắt.
Trong khi đó, bệnh vẫn tiếp tục tiếp diễn. Sau các vi mạch, đến lượt các mạch máu lớn bị tổn thương. Tình trạng phù võng mạc và xuất huyết trầm trọng thêm. Thị lực bắt đầu suy giảm. Võng mạc không được cấp máu đầy đủ. Để bù trừ, tại các vùng võng mạc thiếu máu xuất hiện các mạch máu mới tạo( tân mạch) và các mô sẹo. Các tân mạch và sẹo tăng sinh này phát triển trên bề mặt võng mạc và lan vào buồng dịch kính. Các mô sẹo như những sợi dây thừng gây co kéo võng mạc và dẫn đến bong võng mạc. Các tân mạch có thành mạch rất yếu, có thể vỡ, gây xuất huyết bất cứ lúc nào. Các sợi thần kinh tạo nên dây thần kinh thị cũng bị tổn thương trầm trọng. Tất cả những yếu tố này khiến thị lực suy giảm không thể hồi phục.
Bệnh võng mạc đái tháo đường nặng
5) Bệnh nhân tiểu đường cần được khám mắt như thế nào
Bệnh võng mạc tiểu đường diễn tiến âm thầm nhưng gây hậu quả trầm trọng. Do vậy việc điều trị cho bệnh nhân tiểu đường cần sự phối hợp chặt chẽ của bệnh nhân, bác sỹ nội tiết với bác sỹ nhãn khoa.
Bệnh nhân cần được khám mắt định kì, ngay cả khi chưa có dấu hiệu bất thường ở mắt.
Khi khám mắt, bệnh nhân cần được khám đầy đủ như sau:
- Kiểm tra thị lực
- Đo nhãn áp
- Đo thị trường
- Kiểm tra bán phần trước và soi đáy mắt dưới sinh hiển vi.
Trong trường hợp cần thiết bệnh nhân cần được chỉ định:
- Siêu âm mắt
- Chụp huỳnh quang đáy mắt
- Chụp nhãn quang cắt lớp OCT
Quy trình khám đầy đủ sẽ giúp bác sỹ nhãn khoa quyết định phương án theo dõi, điều trị và tiên lượng kết quả điều trị cho bệnh nhân.
6) Điều trị bệnh võng mạc tiểu đường như thế nào:
Nhiều phương pháp điều trị nội khoa với các thuốc củng cố thành mạch , các thuốc tiêu huyết khối, tiêu lipid và protein lắng. Tuy nhiên thực tế lâm sàng không cho thấy hiệu quả của các thuốc này trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Một trong những phương pháp điều trị bệnh võng mạc tiểu đường là quang đông toàn võng mạc bằng lade. Quá trình quang đông được tiến hành trong vài buổi, mỗi buổi cách nhau 3-7 ngày. Tia lade phá hủy các vùng võng mạc bệnh, để tân mạch không tiếp tục phát triển, ngăn chặn bệnh không tiến triển vào vùng hoàng điểm.
Trong những giai đoạn sớm của bệnh, điều trị quang đông toàn võng mạc kịp thời đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên nếu nồng độ đường huyết không được ổn định thì bệnh vẫn tiếp tục tiếp diễn. Khi đó bệnh nhân có thể sẽ được can thiệp phẫu thuật để giữ lại thị lực còn lại.
Thứ bảy, 28 Tháng 7 2012 12:15
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Thứ sáu, 20 Tháng 7 2012 16:02
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 14:52
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 06:41
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 03:57
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Chủ nhật, 04 Tháng 12 2011 13:13
Bình luận
Danh sách bình luận dưới dạng RSS