Việc khám và đo mắt đúng trước hết cần được thực hiện bởi một bác sĩ nhãn khoa cùng một kỹ thuật viên khúc xạ với đủ những trang thiết bị tối thiểu để chẩn đoán.
Tại TP.HCM, theo một khảo sát mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, trong số hơn 400 cơ sở bán kính thuốc chỉ có 13 cơ sở là đủ điều kiện hành nghề... Vậy khám và đo mắt như thế nào là đúng? Phóng viên (PV) đã trao đổi với ThS.BS Trần Hải Yến, Trưởng khoa Khúc xạ - BV Mắt TP.HCM về vấn đề này.
- Khám và đo mắt như thế nào là đúng?
- ThS.BS Trần Hải Yến: Việc khám và đo mắt đúng trước hết cần được thực hiện bởi một bác sĩ nhãn khoa hoặc kèm thêm một kỹ thuật viên khúc xạ với đủ những trang thiết bị tối thiểu để chẩn đoán (bảng thị lực, kính sinh hiển vi khám bệnh, bộ dụng cụ đo khúc xạ, một số thuốc chẩn đoán…). Trường hợp bệnh khó, bệnh nặng cần có thêm các trang thiết bị chẩn đoán hình và xét nghiệm hỗ trợ.
- Muốn đo mắt tại BV Mắt TP.HCM, cần phải có chỉ định của bác sĩ? Nếu chỉ đo mắt thôi thì bệnh nhân mất bao lâu? Và hết bao nhiêu tiền?
- Nếu người bệnh chỉ đơn thuần muốn đo mắt để xác định và lấy đơn kính điều chỉnh tật khúc xạ (cận, viễn, loạn, lão) thì không cần có chỉ định của bác sĩ, trường hợp kỹ thuật viên đo thấy có vấn đề bất thường ngoài tật khúc xạ, khi đó bệnh nhân sẽ được chuyển tới bác sĩ khám để phát hiện và điều trị các bệnh lý khác.
Trung bình để đo khúc xạ sẽ mất khoảng 15-20 phút. Tại bệnh viện, phí đo khúc xạ là 30000đồng/ lần. Ở những cơ sở khác có thể cao hơn tùy chất lượng dịch vụ và cơ sở vật chất.
- Hiện nay, tại BV Mắt TP.HCM có bao nhiêu nhân viên y tế phụ trách việc đo và đọc kết quả đo mắt? Những người này được đào tạo như thế nào để có thể đọc được kết quả đo mắt?
- Tại bệnh viện Mắt TP.HCM, các bác sĩ không trực tiếp đo khúc xạ mà phụ trách việc khám chẩn đoán và điều trị bệnh lý. Việc đo khám khúc xạ do kỹ thuật viên phụ trách.
Những người này được đào tạo qua khóa kỹ thuật viên khúc xạ với những kiến thức lý thuyết và thực hành căn bản để có thể đo khám và ghi đơn kính cho bệnh nhân. Họ cũng được trang bị một số kiến thức lâm sàng liên quan đến tật khúc xạ để giúp phát hiện và chuyển bệnh nhân đến bác sĩ khám tiếp khi cần thiết. Bệnh viện Mắt TP HCM hiện có 22 kỹ thuật viên khúc xạ.
- Hiện nay, việc đo mắt có nhiều máy móc hỗ trợ, đó là những thiết bị đo mắt nào? Nếu chỉ dựa vào máy móc, kết quả đo có thể tin tưởng được hay không?
- Bên cạnh những dụng cụ tối thiểu như bảng thị lực, hộp kính, gọng kính, thước Parent, đèn soi bóng đồng tử… Hiện nay có thêm máy đo khúc xạ tự động điện tử hỗ trợ. Tuy nhiên máy móc chỉ giúp định hướng và làm giảm thời gian đo chứ hoàn toàn không thể dựa vào kết quả của máy để ghi đơn kính cho bệnh nhân.
Sau khi đo mắt, bệnh nhân có thể mua kính ngay tại cửa hàng mắt kính của bệnh viện. Giá cả tùy thuộc chất liệu, kiểu dáng của gọng và tròng do bệnh nhân lựa chọn.
- Đeo kính sai độ sẽ dẫn đến những hậu quả như thế nào?
- BV Mắt TP.HCM hiện chưa có con số thống kê cụ thể về những trường hợp điều trị vì những biến chứng do đeo kính sai độ. Việc đeo kính sai độ sẽ không phát huy được tác dụng của kính do vậy không ngăn ngừa được các biến chứng nhược thị, lé, có thể gây nhức đầu, mỏi mắt, nhìn hình có bóng hoặc hình đôi.
- Những người mắc các tật khúc xạ về mắt bao lâu cần đi kiểm tra một lần?
- Trẻ em có tật khúc xạ cần đi khám mỗi 6 tháng một lần. Người lớn nên kiểm tra mỗi năm hoặc khi có biểu hiện bất thường (mờ đột ngột, mờ nhiều một phía, xuất hiện hiện tượng ruồi bay ồ ạt, chớp sáng.)
Thứ bảy, 28 Tháng 7 2012 12:15
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Thứ sáu, 20 Tháng 7 2012 16:02
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 14:52
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 06:41
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 03:57
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Chủ nhật, 04 Tháng 12 2011 13:13