Đo thị lực sai, đeo kính không đúng số có thể khiến mắt nhức mỏi, khó chịu, thậm chí còn gây hậu quả trầm trọng. BS Hoàng Xuân Hương – Phòng khám Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương cảnh báo.
Theo Ths.BS Nguyễn Cảnh Thắng – Viện Mắt Trung Ương, việc đo thị lực của máy khúc xạ tự động chỉ có kết quả chính xác bởi các nhân viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm.
Máy đo khúc xạ tự động không cho kết quả chính xác 100%, mà chỉ cho biết sơ bộ tình trạng mắt để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh độ khúc xạ của mắt. Muốn đo mắt chính xác đòi hỏi máy phải tốt, người thực hiện phải có chuyên môn cao.
Kết quả của máy đo khúc xạ chuẩn hay không còn tuỳ thuộc vào tư thế ngồi của khách hàng, khách hàng có nhìn thẳng mắt vào máy hay không vì nếu ngồi lệch, kết quả cũng khác.
Cũng theo BS Thắng, để tìm ra chỉ số khúc xạ thật không chỉ dựa trên việc lấy kết quả mắt. Đối với trẻ em, sau khi xác định được thị lực mắt, sẽ phải tra thuốc 5 -7 ngày cho giãn con ngươi, sau đó thực hiện phương pháp đồng tử để tìm được chỉ số khúc xạ thật.
Nhiều trẻ nhỏ quá chưa đánh giá được bằng cảm quan thì phải ép cho chúng đeo theo số kính của kết quả đo, sau đấy tiến hành soi bóng đồng tử mới tìm ra được chỉ số khúc xạ thật của trẻ.
Cùng quan điểm, BS Hoàng Xuân Hương – Phòng khám Khúc xạ, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, kết quả đo bằng máy đo khúc xạ chỉ mang tính chất tham khảo chứ không là kết quả cuối cùng để bác sĩ cắt kính.
Nếu các khúc xạ viên làm việc ở các tiệm kính chưa qua các lớp đào tạo chuẩn về đo khúc xạ mà chỉ dựa hoàn toàn vào máy đo khúc xạ tự động để kê đơn kính cho bệnh nhân thì từ có thể đưa ra đơn kính thuốc không chính xác và ảnh hưởng không tốt đến “tính mạng” đôi mắt của bệnh nhân.
Cận oan do đeo sai kính
Cũng theo BS Xuân Hương, có nhiều bệnh nhân đến khám có triệu chứng của mắt bị cận thị, nhưng trên thực tế chỉ do rối loạn điều tiết. Nếu bệnh nhân được cấp kính cận có thể dẫn tới các rối loạn chức năng như nhức đầu, mỏi mắt, nhìn mờ… Sau một thời gian dài đeo kính cận mới phát hiện là không bị cận, khi bỏ kính ra thị lực sẽ bị kém. Nếu không đeo đúng độ cận của cặp kính, người đeo sẽ không nhìn rõ.
Với trẻ nhỏ có tật khúc xạ nếu không đeo kính đúng có thể gây nhược thị và trong một số trường hợp có thể dẫn đến lác, ảnh hưởng không tốt lên chức năng thị giác của các em sau này.
“Một cặp kính thuốc không chỉ cần phải đo về độ cận, mà còn phải đảm bảo chiều rộng của gọng, chiều dài của càng kính. Mắt kính đúng công suất, đúng tâm trục thị giác, khoảng cách từ kính đến mắt là 12mm, độ nghiêng của kính là 12 độ.
Tuy nhiên, không phải ở cửa hàng kính tư nhân nào cũng có kỹ thuật viên nắm được những điều cơ bản này. Vì thế, nhiều người bị tật khúc xạ nhưng đeo kính lại nhìn hình méo, gây nhức, mỏi mắt”, BS Thắng cho biết.
Tuyệt đối không cho trẻ mổ mắt sớm
Hiện nay có rất nhiều bậc cha mẹ khi thấy con độ cận quá cao đều cho trẻ mổ mắt sớm. Tuy nhiên, BS Thắng cho rằng, mổ cận chỉ được phép khi bệnh nhân trên 18 tuổi, việc mổ dưới tuổi này là sai.
Hơn nữa chỉ nên mổ mắt trong những trường hợp chỉ định mổ, chứ không nên đua theo phong trào mổ mắt chữa cận thị. Mổ mắt không có nghĩa là không tăng số mà sẽ khiến cho mắt bị khô, nhìn lóa khi đi đêm, có trường hợp số kính dần dần tăng lên sau một thời gian mổ.
Cụ thể hơn, BS Hoàng Xuân Hương cho biết, tật khúc xạ mắt ở trẻ nhỏ chưa ổn định và còn thay đổi nên chỉ có chỉ định mổ mắt ít nhất trên 18 tuổi khi tật khúc xạ mắt đã ổn định. Nếu mổ cận thị cho trẻ dưới 18 tuổi sẽ có ảnh hưởng về sau.
Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, ít nhất mỗi năm các bậc cha mẹ nên cho trẻ khám mắt định kỳ. Khi mắt có các dấu hiệu: Nhức mắt, mỏi mắt khi tập trung nhìn một vật là khi đó mắt đã có dấu hiệu của các tật khúc xạ.
Chức năng mắt của trẻ khó hồi phục
Việc xác định đúng số kính là rất quan trọng. Khi chẩn đoán sai sẽ dẫn tới hướng điều trị sai.
Trẻ con mắt còn phát triển, chưa ổn định, nếu đeo số kính sai quá lâu thì khả năng phục hồi chức năng mắt là rất thấp.
Để chữa về mặt chức năng cần phải chữa từ nhỏ. Đợi đến khi trẻ lớn mới chữa thì chỉ chữa được về mặt thẩm mỹ.
NLĐ
Thứ bảy, 28 Tháng 7 2012 12:15
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Thứ sáu, 20 Tháng 7 2012 16:02
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 14:52
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 06:41
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 03:57
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Chủ nhật, 04 Tháng 12 2011 13:13