Quặm Mắt

Thứ ba, 13 Tháng 3 2012 07:56

1. Định nghĩa.


Quặm là sự cuộn vào trong của một phần hay toàn bộ bờ mi. Bệnh nặng bởi những biến chứng giác mạc do cọ xát của lông mi (viêm loét, đục giác mạc) và đây là nguyên nhân chủ yếu trực tiếp gây mù loà do bệnh mắt hột.

Cần phân biệt quặm với lông xiêu: Lông xiêu là sự mọc lệch lạc của số ít lông mi trong khi bờ mi vẫn ở vị trí bình thường.

2. Các hình thái lâm sàng:
* Quặm do tuổi già:
Quặm do tuổi già thường ở mi dưới. Phần lớn quặm tuổi già là ở trên những mắt bị lõm do tiêu mỡ hốc mắt, làm mất chỗ dựa phía sau của mi khiến cho bờ mi bị đổ ra sau và vào trong.
* Quặm bẩm sinh:
Bờ mi lộn vào trong do khuyết tật cấu trúc của sụn mi, tăng sản cơ vòng mi và lớp da.
* Quặm do sẹo:
Là một biến chứng muộn của những bệnh kết mạc và sụn mi (mắt hột, hội chứng Stevens – Johnson, bỏng hoá chất, bệnh Pemphigut mắt…). Sụn mi mắt bị uốn cong vào trong, kết mạc mi có sẹo, đôi khi có dính mi một phần.
* Quặm do co thắt:
Chủ yếu ở mi dưới, xảy ra ở người lớn khi có co thắt mi mạn tính (do sang chấn sau phẫu thuật, viêm ở mắt). Bệnh nhân nheo mắt kéo dài làm cho bờ mi bị cuộn vào trong. Sự kích thích giác mạc làm cho quặm ngày càng nặng thêm.
3. Điều trị.
- Tra mỡ kháng sinh (Tobramicin, Erythromycin… 3 lần/ngày để điều trị viêm giác mạc chấm nông).
- Tạm thời có thể dùng băng dính lật bờ mi ra xa nhãn cầu.
- Muốn điều trị dứt điểm thường phải phẫu thuật.

 

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

     
chia sẻ với bạn bè