Bệnh viễn thị

Thứ năm, 05 Tháng 4 2012 09:23

Viễn thị là một loại tật khúc xạ ít gặp hơn ở trẻ nhỏ so với cận thị nhưng lại gây ra các rối loạn chức năng thị giác nặng nề hơn như nhược thị, lác mắt, rối loạn chức năng thị giác hai mắt.

Bệnh viễn thị

Thế nào là mắt viễn thị?

Mắt viến thị là mắt thiếu lực khúc xạ hội tụ, làm cho hình ảnh của mọi vật hội tụ ra phía sau võng mạc dẫn đến mắt nhìn mờ ở cả khoảng cách xa lẫn gần. Để nhìn rỗ hơn, mắt luôn phải điều tiết làm tăng lực khúc xạ để đưa hình ảnh của vật ra phía trước và nằm trên võng mạc.

Viễn thị ở trẻ nhỏ có hai loại là viễn thị trục và viễn thị khúc xạ.

Viễn thị khúc xạ do lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh thấp, trong khi chiều dài của trục nhãn cầu vẫn bình thường. Loại này thường gây viễn thị nhẹ

Viễn thị trục do trục nhãn cầu quá ngắn trong khi lực khúc xạ của giác mạc và thể thủy tinh vẫn bình thường.

Tuy nhiên có thể phối hợp cả hai nguyên nhân trên

Tiến triển của viễn thị: sẽ giảm dần độ viễn thị khi trẻ lớn dần lên, chiều dài trục nhãn cầu tăng lên, hoặc mắt được tập luyện làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh. Bình thường, trẻ em mới sinh ra luôn luôn bị viễn thị và độ viễn sẽ giảm dần khi trẻ ngày một lớn. Đến 2-3 tuổi, độ viễn khoảng 3 độ. Nếu ở tuổi này, mắt không hoặc ít phát triển thì sẽ bị viễn thị. Viễn thị thường gặp ở tuổi bắt đầu học

Những biểu hiện của viễn thị

Viễn thị khó phát hiện hơn cận thị vì trẻ còn nhỏ, không kêu gì về chức năng thị giác. Cha mẹ phải chú ý nhận ra những bất thường trong sinh hoạt của trẻ để phát hiện sớm chứng viễn thị.

Trẻ nhỏ thường hay dụi mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt . Có thể xuất hiện lác mắt. Chứng lác mắt có thể là một tật đi kèm với viễn thị, cũng có thể là một tật do viễn thị gây ra.

Trẻ lớn hơn có thể kêu mắt nhức mỏi nhìn mờ do mắt luôn phải điều tiết. Tức là các cơ ở trong mắt luôn phải co kéo đến thể thủy tinh để thể thủy tinh phồng lên làm tăng độ khúc xạ. Hậu quả của việc điều tiết là làm mắt luôn nhức mỏi khó chịu.

Vì mắt trẻ phải thường xuyên điều tiết quá độ, gây mất cân bằng giữa độ điều tiết và độ quy tụ nên mắt bị lác trong và trẻ chỉ còn nhìn với một mắt. Kết quả là mắt bị nhược thị (không nhìn được rõ mặc dù được chỉnh kính tối đa). Nhược thị có thể xảy ra ở cả hai mắt hoặc ở một mắt đặc biệt ở những mắt bị viễn thị nặng hơn. Nhược thị làm giảm chức năng thị giác 2 mắt như không nhìn thấy hình nổi, xác định khoảng cách vật không chính xác, ảnh hưởng đến một số nghề nghiệp sau này

Trẻ bị viễn thị còn dễ bị lác mắt đi kèm, thường là lác trong. Có thể là lác mắt do điều tiết toàn bộ hoặc lác mắt do điều tiết không toàn bộ. Lác mắt do điều tiết toàn bộ thì chỉ cần đeo kính viễn thị đúng số là điều chỉnh được độ lác.

Quy trình khám một trẻ nhỏ bị viễn thị.

Thăm hỏi về thời gian và các mức độ biểu hiện

Thử thị lực. Trẻ nhỏ cần được thử bằng các bảng thị lực chuyên dụng dành cho trẻ em.

Đo khúc xạ tự động để đánh giá sơ bộ khúc xạ của mắt. Thử kính theo khúc xạ.

Khám tình trạng vận nhãn và lác.

Tra thuốc liệt điều tiết để đo khúc xạ khách quan (soi bóng đồng tử). Kết quả đo khúc xạ khách quan giúp bác sỹ chỉ định việc đeo kính một cách chính xác.

Khám độ lác (nếu có) sau liệt điều tiết.

Hẹn thử kính sau khi hết tác dụng của thuốc liệt điều tiết.

Khám chức năng thị giác 2 mắt

Điều trị viễn thị:

Cấp đơn kính cho bệnh nhân.

Việc đeo kính phải đi kèm với chế độ luyện tập mắt tích cực để làm giảm độ viễn thị. Trẻ cần được khuyến khích các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ tranh, tô màu, đọc truyện… Mục đích là làm tăng độ khúc xạ của thể thủy tinh dẫn đến giảm độ viễn thị ( cận thị hóa viễn thị)

Với những trẻ bị nhược thị thì cần chế độ luyện tập tích cực hơn như bịt mắt lành tập mắt nhược thị, hoặc tập trên các hệ thống máy kích thích hoàng điểm, máy tập thị giác 2 mắt…

Bên cạnh đó, trẻ cần được điều trị chứng lác mắt ( nếu có)

Trẻ cần được theo dõi ít nhất 6 tháng 1 lần để điều chỉnh kính cho phù hợp với sự tiến triển của viễn thị.

 

Thêm bình luận

Chúng tôi khuyến khích bạn viết Tiếng Việt có dấu


Mã bảo mật
Lấy mã khác

 

Tin mới hơn

 
chia sẻ với bạn bè