Bệnh nhân chen chúc ngồi nghe bác sĩ Tiến "thuyết trình" tại phòng khám chiều 5/8.
Có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh cận thị bằng cách xoa mắt và tập nhìn xa, bên cạnh việc “kiêng” xem tivi và chơi trò chơi điện tử?
Chỉ bằng… 2 động tác!
Hiện có rất đông người dân khắp các tỉnh, thành kéo đến phòng khám bệnh tư nhân của bác sĩ Vũ Thị Thoa, ở số 27, ngõ 233, đường Xuân Thủy, Hà Nội. Bệnh nhân, cả người lớn và trẻ em, ngồi kín căn phòng khoảng 20 m2. Một người đàn ông, theo hướng dẫn trong Những điều cần biết về cận thị học đường được phát tận tay mỗi bệnh nhân, có tên là bác sĩ Tiến, đang thao thao giải thích: “Tập các phương pháp của tôi, cha mẹ có thể yên tâm thị lực của các cháu có thể trở lại 15/10”. Vợ bác sĩ Tiến, bác sĩ Vũ Thị Thoa, cũng đang khám mắt ở phòng trong.
Theo “thuyết trình” của bác sĩ Tiến, người cận thị ỷ vào kính giống như người liệt ỷ lại vào xe lăn. Vì vậy, kiên quyết không dùng kính trong các trường hợp nhìn gần (vì theo bác sĩ, người cận thị có thể nhìn gần không cần kính) như ăn uống, đọc sách, đi lại trong nhà... Hằng ngày, xoa xung quanh vùng mắt và day vào hai bên điểm thấp nhất của mũi (sát hai khóe mắt), tập nhìn xa trên 5m trong 30 phút/lần. Đồng thời phòng và chữa bệnh bằng tập thể dục, thể thao, “kiêng” xem tivi, ngủ trước 22h và dậy trước 6h sáng.
Theo bác sĩ Tiến, cận thị nếu không chữa có thể dẫn đến cong vẹo cột sống (vừa nói ông vừa giơ phim X-quang của bệnh nhân nghe nói là cận thị, đã đeo kính 16 năm), thậm chí có thể mù. Vì theo bác sĩ, người cận nặng... cũng như người mù, chỉ khác người mù là có thể nhìn gần được!
Theo qui định của Bộ Y tế, tất cả phương pháp chữa bệnh mới đều phải được Bộ Y tế thẩm định và chỉ được triển khai chữa trị khi được Bộ Y tế cho phép. Bác sĩ Thoa cho biết, phương pháp “xoa mắt, tập nhìn xa” này là công trình của... 2 vợ chồng bà, chưa công bố cho ai. Nghĩa là nó hoàn toàn chưa được cơ quan chức năng thẩm tra, xem xét hiệu quả điều trị.
Trò bịp?
Theo bác sĩ Cao Mỹ Lệ - giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội - với bệnh cận thị, hiện chỉ có phương pháp phẫu thuật lasik (cho người từ 18 tuổi trở lên, 6 tháng gần nhất không thay đổi độ cận) là tỏ ra hiệu quả nhất. Cận thị cũng chẳng liên quan gì đến cong vẹo cột sống. “Bệnh viện Mắt TƯ trước đây cũng đã thử nghiệm thêm một số phương pháp điều trị, nhưng chưa có biện pháp nào được phổ biến” - bà Lệ nói.
GS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia nhãn khoa đầu ngành, cũng hết sức bức xúc khi nghe thông tin chữa khỏi cận thị “chỉ bằng hai động tác”. Theo GS Nhân, đây hoàn toàn là một trò bịp bợm vì cận thị chưa có phương pháp nào điều trị có hiệu quả ngoài phẫu thuật lasik.
Điều đặc biệt nguy hại nữa ở “phương pháp bác sĩ Tiến” là nhãn cầu của người cận thị thường dài hơn người thường, không bài tập nào có thể khiến nhãn cầu thu như cũ được. Hơn nữa, việc “kiêng” đeo kính khiến mắt thường xuyên phải điều tiết quá sức, làm độ cận ngày càng tăng.
Chị Nguyễn Lan Hương, giáo viên ở Bắc Ninh, đưa con gái 8 tuổi đến tái khám lần hai, phàn nàn: “Chỉ ngồi nghe một chút kiến thức về cận thị, bác sĩ Tiến đo thị lực, hướng dẫn xoa mắt, bác sĩ Thoa kê đơn thuốc mà phải tốn 180.000 đồng”.
Một bà mẹ từ miền Nam ra dẫn con và cháu gái đến tái khám, hai cô bé 14-15 tuổi luôn nghiêng đầu, nheo mắt nói: “Khó nhìn lắm. Chúng cháu không thấy tiến triển gì”.
Theo Lan Anh
Tuổi Trẻ
Việt Báo (Theo_DanTri)
Thứ bảy, 28 Tháng 7 2012 12:15
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Thứ sáu, 20 Tháng 7 2012 16:02
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 14:52
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 06:41
Thứ tư, 30 Tháng 11 2011 03:57
Thứ tư, 18 Tháng 7 2012 15:02
Thứ ba, 17 Tháng 7 2012 12:29
Thứ tư, 25 Tháng 7 2012 08:59
Chủ nhật, 04 Tháng 12 2011 13:13